Thứ 3 ngày 29 tháng 10 năm 2019Lượt xem: 11041
Môi trường làm việc y tế Việt Nam nhiều nguy hiểm.
Môi trường làm việc nhân viên y tế áp lực nhất vì quá tải, thiếu cơ sở vật chất, nhiều rủi ro do bệnh tật và nạn bạo hành.
Tại Việt Nam, bạo hành trong ngành y tế có tỷ lệ cao, chiếm 25% tổng số bạo hành tại nơi làm việc, ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế, cho biết tại hội thảo Bảo vệ Blouse trắng, ngày 29/10.
Số vụ bạo hành nhân viên y tế có chiều hướng gia tăng. Từ đầu năm 2019 đến nay, có khoảng 20 vụ bạo hành bệnh viện, tập trung chủ yếu tại các bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, trong đó có bốn bác sĩ, 15 điều đưỡng và một bảo vệ bị hành hung. Trước đó, từ năm 2010 đến 2017, có 26 vụ việc điển hình về mất an ninh, trật tự bệnh viện trong đó năm 2014 có tới 7 vụ điển hình. Đã có hai trường hợp đoàn viên ngành y tế tử vong do bạo hành của người nhà bệnh nhân là bác sĩ Trần Văn Giàu, Bệnh viện đa khoa Vũ Thư - Thái Bình năm 2012, mới đây nhất là một đoàn viên là nhân viên bảo vệ tại Trung tâm Y tế Quế Sơn - Quảng Nam do ngăn cản vụ cãi nhau giữa người bệnh và người nhà. Bạo hành chủ yếu ở bệnh viện tuyến tỉnh (60%), 20% ở tuyến trung ương. 70% nạn nhân là bác sĩ, 15% là điều dưỡng. Tới 90% vụ bạo hành xảy ra khi bác sĩ đang cấp cứu, chăm sóc cho bệnh nhân, 60% xảy ra khi thầy thuốc đang giải thích cho bệnh nhân, người nhà.
Theo ông Khoa, hiện nay, pháp luật Việt Nam cũng chưa mang tính răn đe cao. Nhiều nước chỉ cần có lời nói mang tính gây hấn với nhân viên y tế có thể sẽ bị giam giữ. Trong khi Việt Nam chưa có những quy định chặt chẽ, chưa có chế tài xử phạt nặng nên tình trạng bạo hành như xúc phạm danh dự, bạo hành tinh thần rất phổ biến trong môi trường bệnh viện.
Tiến sĩ Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam cũng cho biết, môi trường làm việc của cán bộ y tế ở nước ta cũng thuộc diện áp lực nhất vì quá tải, thiếu thốn về cơ sở vật chất và trang thiết bị, ... Họ còn đối mặt với nhiều rủi ro của những tác hại lây nhiễm và không lây nhiễm. "Hóa chất, nóng, tiếng ồn, bức xạ ion hóa, sóng siêu âm, các tác động đến da, căng thẳng về tâm lý stress, nguy cơ bị bạo hành cao. Lo ngại hơn, các bức xạ ion hóa gây biến đổi gen, nhiễm sắc thể, can thiệp vào quá trình chuyển hóa, chậm phân chia tế bào, nguyên nhân của các loại ung thư máu, da, xương và tuyến giáp", bà Bình nói. Công đoàn Y tế Việt Nam thống kê sơ bộ ở một số tỉnh và đơn vị trực thuộc bộ đã có gần 2.000 cán bộ y tế bị ung thư, mắc bệnh hiểm nghèo.
Ông Doãn Ngọc Hải, Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường cho biết, cán bộ y tế đối diện với nhiều yếu tố nguy cơ chứa mầm bệnh, stress nghề nghiệp, làm ca, trực đêm, gặp nhiều nguy cơ bị bạo hành khi tiếp xúc với người nhà bệnh nhân và bệnh nhân... "Nhóm bệnh nghề nghiệp do yếu tố vi sinh vật dễ mắc bệnh lao nghề nghiệp, viêm gan B, C, nhiễm HIV, bệnh leptospira. Nhóm bệnh nghề nghiệp do yếu tố vật lý dễ mắc phóng xạ, điếc do tiếng ồn và đục thủy tinh thể. Nhóm bệnh liên quan do cả yếu tố hóa học, bụi dễ mắc bệnh viêm phế quản mạn tính, hen nghề nghiệp...", ông Hải cho hay.
Một nghiên cứu được khảo sát trên diện rộng cho thấy, có tới 27% nhân viên y tế thuộc hệ điều trị và 26% hệ dự phòng mắc bệnh mạn tính; 17% thuộc hệ điều trị dự phòng mắc các bệnh lây nhiễm trong thời gian làm việc; 57% nhân viên y tế thuộc hệ điều trị và hệ dự phòng bị tổn thương do bệnh xâm nhập khi tiêm và có nhiều bệnh lý nghiêm trọng, các bệnh chuyển hóa khác.
Tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, kết quả khám sức khỏe định kỳ tại bệnh viện năm 2018 cho thấy, có 0,15% nhân viên có sức khỏe loại 4 và 2,88% nhân viên sức khỏe loại 3; 41% nhân viên đạt sức khỏe loại 2 trong đó các bệnh thường gặp là nhân xơ tuyến giáp và nang keo tuyến giáp.
"Nếu có máy đo đếm về tâm lý môi trường của con người thì có lẽ môi trường tâm lý ở bệnh viện là đặc biệt nhất. Tâm trạng, nhịp tim đập mạnh nhất có lẽ ở bệnh viện", Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam nói.
Phó giáo sư Phạm Thanh Bình cho biết về chế độ đối với bệnh nghề nghiệp, hiện nay danh mục nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trong lĩnh vực y tế vẫn chưa được sửa đổi, bổ sung sau 23 năm ban hành nên nhiều cán bộ y tế chưa được hưởng chế độ bồi dưỡng từ các danh mục này. Vì vậy, nhiều chuyên gia đã đề xuất chính sách đảm bảo có môi trường lao động an toàn hơn cho cán bộ y tế.
>>> Mời xem
1. "Hiến kế" tự cứu trước nạn bạo hành nhân viên y tế.
Tin xem nhiều nhất
-
Ngày 09/02/2018
ĐIỆN CƠ là gì ...
-
Ngày 13/02/2018
Điều trị Co thắt mi mắt (Blepharospasm)?
-
Ngày 01/03/2018
Điều trị co cứng cơ sau Đột quỵ não.
-
Ngày 05/04/2020
Liệt dây thần kinh số VII.
-
Ngày 26/05/2018
Điều trị Co thắt nửa mặt (Hemifacial spasm)?
-
Ngày 05/10/2021
Chẩn đoán định khu tổn thương tủy sống.