Chủ nhật ngày 16 tháng 01 năm 2022Lượt xem: 9209
Hội chứng "hậu Covid-19"?
Hội chứng "hậu covid" (long covid) là một nhóm các triệu chứng tồn tại trong nhiều tuần hoặc nhiều tháng ở người bệnh sau khi nhiễm virus SARS – COV2. Những triệu chứng này có thể gây ra các vấn đề ở nhiều cơ quan và hệ thống cơ thể cùng một lúc. Ngay cả những người từng bị nhiễm virus nhẹ cũng có thể có các triệu chứng covid kéo dài.
Nghiên cứu của Đại học Leicester trên 1.000 bệnh nhân đã điều trị tại bệnh viện vì Covid cho thấy có tới 70% bệnh nhân vẫn chưa hồi phục hoàn toàn sau 5 tháng kể từ khi họ xuất viện. Khoảng 1/5 trong xuất hiện triệu chứng mới; 17,8% chưa làm việc trở lại; 19,3% thay đổi công việc do vấn đề sức khỏe.
1. Nguyên nhân dẫn đến hội chứng “hậu covid”.
Hiện nay, những nghiên cứu về hội chứng còn chưa đầy đủ và đang được tiếp tục nghiên cứu. Một số giả thuyết chỉ ra rằng hội chứng này được gây ra bởi các cơ chế chính:
Thứ nhất, do virus xâm nhập vào tế bào cơ thể thông qua thụ thể ACE 2, gây ra tổn thương cấu trúc và rối loạn chức năng của các tế bào mang thụ thể ACE 2 ở các cơ quan như: hô hấp, tim mạch, thần kinh,…
Thứ hai, do phản ứng viêm hoặc đáp ứng miễn dịch của cơ thể trong quá trình chống lại sự xâm nhập của virus gây tổn hại đa cơ quan.
Ngoài ra, những yếu tố tâm lý xã hội từ đại dịch như mắc bệnh, cách ly, hội chứng sau chăm sóc đặc biệt ở những bệnh nhân từng điều trị tại đơn vị chăm sóc tích cực (ICU).
2. Những triệu chứng thường gặp ở hội chứng “hậu covid”.
Mệt mỏi: là triệu chứng thường gặp nhất ở bệnh nhân mắc hội chứng hậu COVID, bất kể mức độ bệnh ở giai đoạn cấp tính của covid -19, dù nhập viện hay không nhập viện. Tình trạng mệt mỏi có thể kéo dài đến ba tháng hoặc lâu hơn, đặc biệt ở những người điều trị tại đơn vị chăm sóc tích cực ICU. Ước tính, tỉ lệ mệt mỏi trong 5 tuần là 11,9% trong số những người sau nhiễm covid -19. Cơ chế bệnh sinh của tình trạng mệt mỏi mạn tính sau nhiễm covid có thể là do sự xâm nhập của virus vào hệ thần kinh hoặc các yếu tố tâm lý xã hội tiêu cực liên quan đến đại dịch covid cũng có liên quan đến mệt mỏi mạn tính. Phương pháp điều trị chính được khuyến cáo hiện nay là tập vận động với cường độ tăng dần theo thời gian, được xây dựng theo khả năng của từng người bệnh, tránh vận động quá sức và bắt đầu từ những bài tập đơn giản dưới sự hướng dẫn của nhân viên y tế.
Khó thở và các nhóm triệu chứng về hô hấp: Khó thở, ho, mất hoặc kiệt sức sau gắng sức nhỏ,… là những triệu chứng hô hấp nổi bật sau khi nhiễm covid -19. Tỉ lệ bệnh nhân bị di chứng phổi hậu covid khoảng 20-40%. Trong đó, khó thở chiếm tỉ lệ mắc lên đến 40-66%. Một nghiên cứu báo cáo rằng 43,4% trong số 143 bệnh nhân được đánh giá là vẫn còn khó thở sau 60 ngày sau khởi phát covid-19. Covid-19 có thể gây những bất thường về chức năng và hình ảnh học ở phổi. Những người có nguy cơ cao bị khó thở bao gồm: người lớn tuổi, những người có thời gian nằm viện kéo dài, những người có bất thường phổi từ trước. Nguyên nhân là do sự tăng cao nồng độ các cytokines trong máu, hình thành tổn thương xơ hóa ở phổi. Để đánh giá tình trạng khó thở, cần theo dõi nồng độ bão hòa oxy máu ngoại vi (Sp02) tại nhà, kiểm tra khả năng vận động phù hợp với từng bệnh nhân. Đối với người bệnh sau nhiễm covid-19 có khó thở kéo dài trên 12 tuần cần loại trừ các tổn thương thực thể tại phổi bằng chụp X Quang tim phổi thẳng hoặc CT ngực (nếu cần) và thăm dò các chức năng hô hấp. Để kiểm soát tình trạng khó thở người bệnh cần thực hiện các bài tập thở, tập phục hồi chức năng phổi, duy trì tư thế tối ưu để giảm khó thở tư thế.
Bất thường tim mạch: Tổn thương tim và tăng nồng độ Troponin có liên quan đến việc tăng nguy cơ tử vong và nhập viện ở bệnh nhân nhiễm covid -19. Nguyên nhân dẫn đến các bất thường ở tim là do các thụ thể ACE 2 được biểu hiện nhiều ở tim, cung cấp một con đường lây nhiễm trực tiếp cho SARS-CoV-2. Một số nghiên cứu cho thấy, bất thường liên quan đến tim vẫn tiếp tục diễn tiến ở nhiều người mắc COVID-19 ở thời điểm 2 tháng và 6 tháng sau nhiễm với tỉ lệ lần lượt khoảng 20-60% và 5-9%. Những vận động viên trẻ, tập các môn thể thao đối kháng ít có nguy cơ mắc các vấn đề tim mạch hậu covid -19 hơn nhóm bệnh nhân khác. Những biểu hiện tại tim mạch như: Đau tức ngực, tim đập nhanh, hạ huyết áp tư thế đứng, huyết khối động tĩnh mạch, hội chứng nhịp tim nhanh tư thế đứng (POST),... Những bệnh nhân có các triệu chứng về tim mạch, biểu hiện đau tức cần được khám lâm sàng tim mạch và tầm soát các biến cố tim mạch nguy hiểm.
Bất thường về thần kinh: Bệnh nhân có các triệu chứng về thần kinh sau nhiễm covid -19 thường gặp là sương mù não (khó suy nghĩ, không tập trung), nhìn mờ, nhìn đôi, đau đầu, mất vị giác và mất khứu giác. Triệu chứng đau đầu được ghi nhận lên đến 40-60% số bệnh nhân. Ở những người sau nhiễm covid tình trạng mất mùi – vị có thể kéo dài lên đến 6 tháng hoặc hơn. Ngoài ra, nhiều trường hợp người bệnh có tình trạng suy giảm nhận thức, giảm khả năng tập trung, giảm trí nhớ, mê sảng, hay thậm chí là Alzheimer. Nguyên nhân là do với nhiều bệnh nhân covid -19 phải điều trị tích cực ICU và thở máy kéo dài dẫn đến tình trạng mê sảng và suy giảm nhận thức. Đột quỵ và đau đầu phổ biến ở những bệnh nhân phục hồi từ covid-19 cấp tính, tần suất đau đầu trong 5 tuần ở 10,1%. Nguyên nhân là do phản ứng viêm quá mức ở một số bệnh nhân xảy ra cơn bão cytokine, gây ảnh hưởng đến não và tăng các nguy cơ về thần kinh bao gồm viêm não và đột quỵ.
Rối loạn tâm lý: Đại dịch đã có ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tâm thần, với những người đã có covid-19 biểu hiện các triệu chứng tâm thần lâu dài bao gồm rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD), trầm cảm, lo lắng và các triệu chứng ám ảnh cưỡng chế sau khi phục hồi sau nhiễm trùng cấp tính. Cách ly, cô lập và xa cách xã hội cũng có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tâm thần và nhận thức. Mất ngủ cũng thường được báo cáo sau khi phục hồi từ covid-19, với nhiều nghiên cứu tìm thấy chất lượng giấc ngủ kém và rối loạn giấc ngủ thường xuyên sau khi phục hồi sau cấp tính. Trong một nghiên cứu trên 100 bệnh nhân mắc COVID-19 cấp tính đã được xuất viện, 24% báo cáo PTSD, 18% có các vấn đề mới hoặc tồi tệ hơn về trí nhớ, và 16% có các vấn đề mới hoặc tồi tệ hơn về khả năng tập trung thường gặp ở bệnh nhân được đưa vào phòng chăm sóc đặc biệt (ICU).
Các triệu chứng ít gặp khác: Rụng tóc sau nhiễm covid -19 lên tới 20-30%. Nguyên nhân là do tổn thương nang tóc làm mất khả năng mọc tóc mới, được xác định bằng tình trạng rụng tóc lan tỏa có thể kéo dài khoảng 3 tháng. Ngoài ta, cũng có thể gặp các tổn thương ở da 15-64% ở giai đoạn cấp, 3-5% sau 6 tháng. Các triệu chứng buồn nôn, tiêu chảy xảy ra khi nhiễm covid-19 đã được báo cáo. Hiện nay, một số nghiên cứu đang đánh giá hậu quả lâu dài của covid-19 đối với hệ tiêu hóa.
3. Ai dễ bị hội chứng “hậu covid”?
Hội chứng này có thể xảy ra ở bất kì người nhiễm covid-19 nào. Tỷ lệ mắc hội chứng hậu covid ở nữ cao gấp đôi nam giới.
Ngoài ra, tuổi tác cũng là một yếu tố nguy cơ của hội chứng này. Ước tính hội chứng hậu covid có khoảng 10% trong độ tuổi 18-49 tuổi, 22% trên 70 tuổi.
Các bệnh lý nền cũng làm tăng nguy cơ xuất hiện hội chứng “hậu covid” như: béo phì, tiểu đường, cao huyết áp, hen phế quản.
Theo báo cáo của tổ chức y tế Thế giới (WHO), 30% bệnh nhân Covid-19 được khảo sát vẫn có triệu chứng dai dẳng sau 9 tháng. Điều này cho thấy tầm quan trọng của việc tầm soát hội chứng hậu covid-19 ở những bệnh nhân hồi phục sau covid cấp tính, cần có kế hoạch điều trị, chăm sóc và theo dõi lâu dài.
4. Điều trị hội chứng "hậu covid".
Nguyên tắc điều trị
Cần có sự phối hợp nhiều chuyên khoa như: Thần kinh, Hô hấp, Tai mũi họng, Tâm lý, Phục hồi chức năng, Vật lý trị liệu…
Cần có biện pháp điều trị toàn diện, kiên trì để giảm các triệu chứng kéo dài, đây là một thách thức đối với người bệnh và y tế.
Mỗi người bệnh phải được xây dựng một lộ trình điều trị riêng theo nhóm bệnh triệu chứng và bệnh lý nền.
Các triệu chứng hậu Covid kéo dài có thể xuất hiện đồng thời nên vấn đề điều trị cần sự phối hợp nhiều chuyên khoa và biện pháp điều trị toàn diện, kiên trì để giảm các triệu chứng kéo dài.
5. Người khỏi bệnh Covid-19 cần chăm sóc sức khỏe như thế nào?
Người bệnh nên vận động nhẹ nhàng (đi bộ chậm, tập thể dục nhẹ, đạp xe đạp chậm, tập dưỡng sinh…), hạn chế làm việc nặng mà nên làm việc nhẹ tăng dần cường độ, giúp giải tỏa căng thẳng.
Cần chú ý tập thở (hít vào, thở ra chậm, hít sâu dần dần và thở ra nhẹ nhàng không vội vã và nhịp độ tăng lên từng ngày). Bên cạnh đó cần tiếp xúc với ánh nắng mặt trời ít nhất 30 phút/ngày (có thể vào buổi sáng sớm hoặc nắng chiều, chia thành 3-4 lần, mỗi lần 5-10 phút là vừa), việc làm này sẽ giúp cho điều hòa nhịp sinh học của cơ thể.
Bên cạnh đó, người bệnh không nên sống một mình hoặc tự cô lập với mọi người trong nhà. Các thành viên trong gia đình nên khuyến khích họ tham gia các hoạt động cùng với người thânnhư chuẩn bị bữa ăn, dọn dẹp nhà cửa,…Đặc biệt với người cao tuổi, việc trò chuyện cùng người thân trong gia đình và được người thân động viên, giúp đỡ sẽ giúp giảm sự lo lắng, kích thích hoạt động não sau khi khỏi bệnh COVID-19 rất tốt.
Chế độ dinh dưỡng: Người bệnh cần tránh những thức ăn khó tiêu: nhiều mỡ, nhiều chất béo, không nên ăn sau 19h tối. Ngoài ra cần hạn chế dùng trà, cà phê về đêm, nên ăn nhiều rau quả, trái cây, nước mát và uống đủ 1,5-2 lít nước trong ngày. Thay đổi món ăn thường xuyên, chế biến thức ăn, bài trí thức ăn hấp dẫn tạo mùi thơm thay đổi kích thích vị giác, chia nhiều bữa nhỏ trong ngày.
Ngay cả khi đã phục hồi và âm tính, người bệnh vẫn nên chú ý tuân thủ thật nghiêm túc 5K đề phòng bệnh. Cần hạn chế nhìn vào màn hình điện thoại/thiết bị điện tử liên tục trong ngày.
Tin xem nhiều nhất
-
Ngày 09/02/2018
ĐIỆN CƠ là gì ...
-
Ngày 13/02/2018
Điều trị Co thắt mi mắt (Blepharospasm)?
-
Ngày 01/03/2018
Điều trị co cứng cơ sau Đột quỵ não.
-
Ngày 26/05/2018
Điều trị Co thắt nửa mặt (Hemifacial spasm)?
-
Ngày 05/04/2020
Liệt dây thần kinh số VII.
-
Ngày 05/10/2021
Chẩn đoán định khu tổn thương tủy sống.