THOÁI HÓA TẾ BÀO NÃO

Chủ nhật ngày 14 tháng 10 năm 2018Lượt xem: 15157

# TK 2018: Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng, mối liên quan giữa mức độ Trầm cảm và hình ảnh sọ não ở bệnh nhân Nhồi máu não ổ khuyết trên lều.

THE STUDY OF CLINICAL CHARACTERRISTICS, CONNECTION BETWEEN THE LEVER OF DEPRESSION AND X-RAYS FILM OF PATIENTS WITH LACUNAR IN CEREBRAL INFARCTION.

Tóm tắt

Mục tiêu: Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng, mối liên quan giữa mức độ trầm cảm và hình ảnh học sọ não ở bệnh nhân nhồi máu não ổ khuyết. Đối tượng và phương pháp: Mô tả cắt ngang, sử dụng bệnh án nghiên cứu riêng. 90 BN được chẩn đoán nhồi máu não ổ khuyết có rối loạn trầm cảm, điều trị tại khoa Thần kinh bệnh viện Việt Tiệp từ tháng 3/2013 đến tháng 5/2015. Kết quả: Thời gian hay gặp xảy ra nhồi máu não ổ khuyết từ 6h đến 12h chiếm tỉ lệ 53, 33%. Triệu chứng khởi phát của BN đa số gặp liệt vận động nửa người chiếm 85,56%, Rối loạn ngôn ngữ chiếm tỉ lệ 55, 56%. Hội chứng liệt vận động nửa thân đơn độc chiếm tỉ lệ cao nhất 60%.Triệu chứng trầm cảm nhẹ chiếm 43,33%, trầm cảm vừa chiếm tỉ lệ và 35,56%, trầm cảm nặng chiếm tỉ lệ 21,11%. Vị trí ổ khuyết ở bao trong, nhân bèo, thùy thái dương chưa thấy ảnh hưởng đến các mức độ trầm cảm trong nhồi máu não ổ khuyết. Tổn thương thùy trán, nguy cơ trầm cảm nặng cao gấp 7,31 lần so với mức độ trầm cảm nhẹ và 5,81 lần trầm cảm vừa. Trầm cảm ở bán cầu não trái, trầm cảm nặng cao gấp 4,88 lần so với trầm cảm nhẹ. Kết luận: Chưa thấy rõ sự liên quan giữa mức độ trầm cảm và hình ảnh sọ não ở bênh nhân nhồi máu não ổ khuyết.

Abstract

This research describes an investigation of the patients with cerebral infarction and signs of depression at Department of Neurology of Viet Tiep hospital between March 2013 and May 2015. The time frame for stroke to happened was between 6 to 12 am (53.33%). There are 85.56% patients with hemiplegia, 55.66% patients with the communication disorder, and 60% (the highest rate) with patients the paroxysmal syndrome. Patients with depressed symptom are 43.33%, with moderate depression symptom are 35.56% and with severe depression symptom are 21.11%. The three locations of lacunar that will not lead to depression caused by cerebral infarction are capsual interna, gray matter, and temporal lobe. The percentage of severe depression is increased 7.31 times compared to depression, and increased 5.81 times compared to moderate depression when the frontal lobe of the brains is damaged. The depression on the left brain of severe depression patients was 4.88 times higher than depression.

 

ĐẶT VẤN ĐỀ

Đột quỵ não đã và đang trở thành vấn đề quan trọng của y học do tuổi thọ trung bình ngày càng tăng, tỷ lệ đột quỵ tăng theo tuổi. Dự báo nếu năm 1995 có 12,8% người Mỹ > 65 tuổi bị đột quỵ thì năm 2025 sẽ có khoảng 18,7%. Nhồi máu não ổ khuyết chiếm tỷ lệ từ 20 - 26% trong tổng số bệnh nhân nhồi máu não. Căn nguyên là do tắc những nhánh xuyên gây ra ổ nhồi máu nhỏ, khi mô não hoại tử sẽ tạo thành một xoang nhỏ. Vấn đề còn đang tranh luận đó là sự tổn thương ở bán cầu ưu thế có liên quan gì tới trầm cảm sau đột quỵ não hay không? Trước đây đã có một số nghiên cứu thấy bệnh nhân nhồi máu não bán cầu trái, đặc biệt tổn thương vùng trước trán thường bị trầm cảm nhiều hơn. Ngày nay, nhờ có các phương tiện chẩn đoán hình ảnh có độ nhạy và độ đặc hiệu ngày càng cao. Trên thế giới đã có những nghiên cứu về mối liên hệ giữa trầm cảm sau đột quỵ não với vị trí tổn thương của não. Hiện nay ở Việt Nam chưa có nhiều nghiên cứu về vấn đề này, chính vì vậy chúng tôi tiến hành đề tài: nghiên cứu mối quan hệ giữa mức độ trầm cảm và hình ảnh học sọ não ở bệnh nhân nhồi máu não ổ khuyết trên lều có trầm cảm.

 

ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

1. Đối tượng nghiên cứu

90 bệnh nhân chẩn đoán nhồi máu não ổ khuyết được điều trị tại khoa Thần kinh bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp từ tháng 3/2013 đến tháng 11/2015.

* Tiêu chuẩn chọn bệnh nhân:

- Các đối tượng nghiên cứu đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn chẩn đoán nhồi máu não ổ khuyết, trên phim chụp sọ não CT sọ não hoặc cộng hưởng từ sọ não có hình ảnh nhồi máu não ổ khuyết.

- Các bệnh nhân đều được chẩn đoán xác định trầm cảm theo ICD 10 (1992)

- Bệnh nhân tỉnh, hợp tác trong quá trình khám, hỏi bệnh và làm bệnh án nghiên cứu.

- Được sự đồng thuận của bệnh nhân.

* Tiêu chuẩn loại trừ:

- Loại trừ các bệnh nhân có bệnh cơ thể nặng phối hợp

- Loại trừ các bệnh nhân tiền sử có các triệu chứng trầm cảm trước khi vào viện.

- Bệnh nhân không hợp tác trong quá trình thăm khám và hỏi bệnh.

- Các bệnh nhân trên lâm sàng có triệu chứng nhưng trên phim hình ảnh sọ não không có hình ảnh ổ tổn thương

- Các BN có nhồi máu do U não, chấn thương, viêm nhiễm, chảy máu não- màng não,…

2. Phương pháp nghiên cứu

- Sử dụng phương phát mô tả cắt ngang

- Các BN trong nhóm nghiên cứu được theo dõi từ lúc vào viện đến lúc xuất viện.

- Mẫu bệnh án nghiên cứu riêng.

- Sử dụng thang test Beck để đánh giá mức độ trầm cảm của bệnh nhân.

- Xử lý số liệu bằng phần mềm SPSS 16.0 và phần mềm Excel.

 

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

Bảng 1. Thời điểm xuất hiện triệu chứng nhồi máu não ổ khuyết.

Thời điểm hay gặp xảy ra đột quỵ nhồi máu não ổ khuyết nhất là từ 6h - <12h chiếm tỉ lệ 53,33%. Tiếp đến là 12h - <18h chiếm tỉ lệ 26,67%. 0h - <6h chiếm tỉ lệ 12,22 %. 18h - <24h chiếm tỉ lệ ít nhất 7,78%.

Bảng 2. Triệu chứng khởi phát

Liệt vận động nửa người chiếm tỉ lệ cao nhất 85,56%. Rối loạn ngôn ngữ chiếm tỉ lệ 55,56%. Rối loạn cảm giác chiếm tỉ lệ 21,11%. Suy giảm nhận thức chiếm tỉ lệ 17,78%. Rối loạn nuốt chiếm tỉ lệ 8,89%. Rối loạn điều phối chiếm tỉ lệ 3,30%. Cơn động kinh chiếm 1,11%. Không có Bn nào có triệu chứng bán manh.

Bảng 3. Hội chứng lâm sàng của nhồi máu não ổ khuyết

Hội chứng liệt vận động nửa thân đơn độc chiếm tỉ lệ cao nhất 60%. Rối loạn về vận động cảm giác chiếm tỉ lệ 13,33%. Liệt nhẹ nửa thân thất điều, rối loạn cảm giác đơn độc chiếm tỉ lệ 12,22%. Rối loạn ngôn ngữ bàn tay vụng về chiếm tỉ lệ ít nhất 2,22%.

Bảng 4. Kết quả thang Test Beck rút gọn

Trong 90 BN của chúng tôi, tỉ lệ BN có triệu chứng trầm cảm nhẹ 43,33%   trầm cảm vừa chiếm tỉ lệ 35,56%, trầm cảm nặng chiếm tỉ lệ 21,11%.

Bảng 5. Mối liên quan giữa mức độ trầm cảm và vị trí ổ khuyết ở bao trong

Bệnh nhân bị tổn thương ở bao trong có tỉ lệ trầm cảm ở các mức độ tương đương nhau. Sự khác biệt này không có ý nghĩa thống kê.

Bảng 6. Mối liên quan giữa mức độ trầm cảm và vị trí ổ khuyết ở đồi thị

Mức độ trầm cảm nặng chiếm tỉ lệ cao nhất 26, 32%, trầm cảm vừa chiếm tỉ lệ 21,88%, trầm cảm nhẹ chiếm tỉ lệ ít nhất với 17,95%. Các BN có tổn thương ở đồi thị có nguy cơ trầm cảm nặng cao gấp 1,63 lần so với trầm cảm nhẹ. Tuy nhiên, sự khác biệt này không có ý nghĩa thống kê với p>0,05.

Bảng 7. Mối liên quan giữa mức độ trầm cảm và vị trí ổ khuyết ở thuỳ trán

Những BN tổn thương tại thuỳ trán có nguy cơ trầm cảm nặng cao gấp 7,13 lần so với trầm cảm nhẹ và 5,81 lần so với trầm cảm vừa; tuy nhiên sự khác biệt chưa có ý nghĩa thống kê với P > 0,05.

Bảng 8. Mối liên quan giữa mức độ trầm cảm và vị trí ổ khuyết ở bán cầu trái

BN có tổn thương tại bán cầu não trái, nguy cơ trầm cảm nặng cao gấp 4,88 lần so với trầm cảm nhẹ (95%CI: 1,30-19,16), sự khác biệt có ý nghĩa thống kê với P < 0,05.

Bảng 9. Mối liên quan giữa mức độ trầm cảm và vị trí ổ khuyết ở bán cầu phải

Tỷ lệ mức độ trầm cảm tương đương giữa các nhóm trầm cảm nhẹ, vừa nặng ở những đối tượng tổn thương tại bán cầu não phải với P > 0,05.

 

BÀN LUẬN

     Thời điểm hay gặp xảy ra đột quỵ nhồi máu não ổ khuyết nhất là từ 6- 12h: 53,33%, tiếp đến là 12-18 h: 26,67%. Các giờ còn lại có gặp nhưng với tỉ lệ ít hơn hẳn. Theo Nguyễn Thị Thu Huyền, Nguyễn Văn Chương: thời gian xảy ra đột quỵ nói chung có tỉ lệ cao nhất từ 6- 12h, tiếp theo từ 12-18h ( trong thời gian làm việc)

      Triệu chứng ở giai đoạn khởi phát, liệt nửa người cũng chiếm tỉ lệ cao nhất 85,56 %, tiếp đến là rối loạn ngôn ngữ 55,56 %. Các triệu chứng khác chiếm tỉ lệ ít hơn. Theo Nguyễn Văn Oanh triệu chứng khởi phát gặp nhiều nhất là liệt vận động nửa người chiếm 92, 2%, rối loạn ngôn ngữ 44,0%, rối loạn chức năng nhận thức chiếm 16%. Phương Việt Trung, tỉ lệ liệt nửa người ở Bn nhồi máu não ổ khuyết chiếm 98,1%. Dương Tuấn Bảo là 93,7%.

      Triệu chứng liệt vận động nửa thân đơn độc chiếm tỉ lệ cao nhất, 60%. Một số tác giả trong nước có tỉ lệ cũng phù hợp với chúng tôi, từ 51% đến 53%. Gan R tỉ lệ là 45%. Landi G là 70%. Triệu chứng rối loạn ngôn ngữ và bàn tay vụng về chúng tôi chiếm tỉ lệ thấp, 2,22%. Phù hợp nghiên cứu của Lê Văn Thính, Nguyễn Văn Oanh.

      Tỉ lệ BN có triệu chứng trầm cảm nhẹ và vừa chiếm tỉ lệ 43,33% và 35,56%. Trầm cảm nặng chiếm tỉ lệ 21,11%. Theo Đặng Hoàng Anh khi nghiên cứu đặc điểm lâm sàng rối loạn tâm thần ở BN đột quỵ có tăng huyết áp nhận thấy trầm cảm nhẹ chiếm tỉ lệ 23%, trầm cảm vừa chiếm tỉ lệ 10%, trầm cảm nặng chỉ có 2%. Tỉ lệ trầm cảm của chúng tôi cao hơn hẳn, bởi vì chúng tôi đã sàng lọc các BN có trầm cảm để đưa vào nghiên cứu, còn tác giả lựa chọn BN ngẫu nhiên, nên tỉ lệ trầm cảm sẽ giảm hơn so với chúng tôi.

      Theo Dương Minh Tâm, BN bị nhồi máu não tại nhiều vị trí khác nhau. NMN thùy thái dương gặp nhiều nhất, trong đó 13,6 % NMN thùy thái dương trái, 20,2 % tổn thương thùy thái dương phải. So sánh tỉ lệ trầm cảm giữa nhóm bị NMN bán cầu phải và bán cầu trái, tác giả thấy tỉ lệ trầm cảm do tổn thương bán cầu trái cao hơn ở bán cầu phải, với CI 95%, nhưng yếu tố nguy cơ chưa có ý nghĩa thống kê với OR = 1,052(0,61-1,81). Vataja R và CS, trầm cảm điển hình không liên quan đến vị trí tổn thương não, trầm cảm không điển hình có liên quan đến vị trí tổn thương do NMN. Bhogal và CS cho rằng, vị trí tổn thương não sau đột quỵ chỉ có vai trò khi trầm cảm xuất hiện trong giai đoạn đầu của NMN. Clarke và CS cho thấy mối liên quan giữa vị trí tổn thương não và trầm cảm sau đột quỵ não, tổn thương bán cầu trái có tỉ lệ trầm cảm cao hơn bán cầu phải. Bhogal và CS tổng quan lại các nghiên cứu gần đây thấy rằng, đánh giá những người bị đột quỵ não trong giai đoạn sớm sau khi khởi phát hoặc trong giai đoạn người bệnh còn nằm viện thì tổn thương bán cầu trái trong đột quỵ não có liên quan đến trầm cảm sau nhồi máu não.

 

KẾT LUẬN

Qua nghiên cứu 90 BN được chẩn đoán nhồi máu não ổ khuyết có rối loạn trầm cảm, điều trị tại khoa Thần kinh bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp từ tháng 3/2013 đến tháng 5/2015 chúng tôi rút ra kết luận sau:

- Thời điểm hay gặp nhồi máu não ổ khuyết  từ 6h đến 12h chiếm tỉ lệ 53, 33%

- Triệu chứng khởi phát của BN đa số gặp liệt vận động nửa người chiếm 85,56%, Rối loạn ngôn ngữ chiếm tỉ lệ 55, 56%.

- Về các hội chứng của nhồi máu não ổ khuyết, hội chứng liệt vận động nửa thân đơn độc chiếm tỉ lệ cao nhất 60%, các hội chứng khác chiếm tỉ lệ ít hơn hẳn.

- Triệu chứng trầm cảm nhẹ và vừa chiếm tỉ lệ 43,33% và 35,56%, trầm cảm nặng chiếm tỉ lệ 21,11%.

- Vị trí ổ khuyết ở bao trong, nhân bèo, thùy thái dương chưa thấy ảnh hưởng đến các mức độ trầm cảm trong nhồi máu não ổ khuyết

- Tổn thương thùy trán, nguy cơ trầm cảm nặng cao gấp 7,31 lần so với mức độ trầm cảm nhẹ và 5,81 lần trầm cảm vừa

- Trầm cảm ở bán cầu não trái, trầm cảm nặng cao gấp 4,88 lần so với trầm cảm nhẹ.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Dương Minh Tâm (2011). “Đặc điểm lâm sàng của trầm cảm sau nhồi máu não”. Tạp chí Y Học Thực Hành, Số 9 (783): 50‐53

2. Nguyễn Thành Long (2011). “Khảo sát tỷ lệ và các yếu tố liên quan đến trầm cảm sau tai biến mạch máu não”. Luận án Chuyên khoa II. Đại Học Y Dược TP Hồ Chí Minh

3. Nguyễn Văn Tuấn, Nguyễn Minh Hiện và CS. Đặc điểm đột quỵ nhồi máu não tại bệnh viện Quân Y 103. Y dược học quân sự, học viện quân y, vol 41, 11/2016. Trang 56 – 62.

4. Lê Văn Thính 2003. Đặc điểm lâm sàng và các yếu tố nguy cơ của nhồi máu não ổ khuyết. Hội thảo khoa học kỷ niêm 47 năm thành lập chuyên khoa Thần kinh, Bệnh viện Bạch Mai.

5. Nguyễn Văn Oanh. Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng, hình ảnh cộng hưởng từ não và nguyên nhân nhồi máu não ổ khuyết. Luận văn chuyên khoa cấp 2. Đại học Y Hà Nội, 2012.

6. Caeiro L, Ferro JM, Santos CO, Figueira ML (2006). “Depression in acute stroke”, Journal of Psychiatry & Neuroscience : JPN. Ottawa, Vol. 31, Iss. 6, pp. 377‐384.

7. Carota A, Berney A, Aybek S, et al (2005). “A prospective study of predictors of post‐stroke depression”, Neurology, 64, pp.428‐433.

8. Hackett ML, Yapa C, Parag V, et al (2005). “ Frequency of depression after stroke: a systematic review of observational studies”, Stroke, 36, pp. 1330‐40. 

9. Herrmann M, Bartels C (1995). “Poststroke depression: Is the pathoanalomic correlate for depression in the postacute stage of stroke?” Stroke, 26, pp.850‐856.

10. Liang‐Po et al, (2005). “Depression Symptoms Follwing Ischemic Stroke: A Study of 207 Patients”, Acta Neurol Taiwan, 14, pp. 187‐190.  


khamthankinh.vn