Chủ nhật ngày 30 tháng 10 năm 2022Lượt xem: 10418
Cách thoát hiểm khi ở trong đám đông hỗn loạn.
Vô tình bạn ở trong đám đông hỗn loạn, bạn nên làm gì?
Trang Bright Side đã chia sẻ 9 mẹo giúp bạn thoát hiểm khỏi tình trạng này. Trong trường hợp bạn đang tham gia một trận bóng đá, một buổi hòa nhạc hoặc bất kỳ nơi nào công cộng có nhiều người qua lại, bạn sẽ không bị hại nếu biết một số mẹo an toàn để bảo vệ bản thân và gia đình của mình.
1. Tìm hiểu về không gian xung quanh.
Điều này nghe có vẻ vô dụng khi bạn đã ở trong một đám đông hỗn loạn, Tuy nhiên, nếu bạn làm nó trước khi đến nơi/sự kiện đông đúc đó thì lại vô cùng hữu ích.
Theo các quy tắc an toàn, luôn có những biện pháp/hướng thoát hiểm ở bất kỳ khu vực công cộng nào. Do đó, nếu bạn cần/muốn tới các khu vực đông đúc, sự kiện nhộn nhịp nào đó, hãy nhớ đến nguyên tắc dành ra khoảng 5 phút để tìm hiểu về không gian xung quanh. Đặc biệt, cố gắng chú ý tới những điểm/hướng thoát hiểm hoặc chọn ra một số cửa sổ như một lựa chọn thay thế nếu bắt buộc.
Việc này tuy có vẻ lằng nhằng nhưng nó sẽ tốt hơn là bạn không biết làm gì để thoát hiểm khi ở trong một đám đông hỗn loạn.
2. Tìm ra những vị trí cao để đứng.
Khi đám đông bắt đầu trở nên hỗn loạn và "cuộn lại" tạo thành một sức mạnh to lớn có thể "nhấm chìm" bạn bất cứ lúc nào. Do đó, trong tình huống như vậy, có thể việc đứng yên tại một vị trí cao sẽ tốt hơn là xô đẩy để tới các vị trí thoát hiểm.
Nếu ở trong nhà, bạn có thể đứng lên trên quầy bar, đồ nội thất hoặc bất kỳ thứ gì chắc chắn giúp bạn cao hơn. Còn nếu ở bên ngoài, cây cối có thể là vị trí cao bạn nên lựa chọn. Đừng cố gắng chạy theo đám đông mà không suy nghĩ, hãy đứng lên các vị trí cao đó và tận dụng thời gian để áp dụng các biện pháp thoát hiểm để tự cứu lấy mình.
3. Thu ngắn cánh tay của bạn lại.
Chúng ta không đang nói về các thủ thuật phẫu thuật trong y tế đâu. Rất khó để di chuyển trong một đám đông, và cũng rất khó để bạn thở được một cách thoải mái. Do đó, hãy tự tạo ra thêm một ít không gian cho riêng mình. Cách đơn giản nhất để làm điều này là thu ngắn cánh tay của bạn lại (đưa tay lên ngang cổ, đẩy người xung quanh ra bằng phần củi trỏ tay). Việc làm này cũng giúp bạn điều hướng hướng đi của bạn để thoát khỏi đám đông.
Ở tư thế này, bạn có thể đẩy người khác ra, tạo thêm không gian và tự bảo vệ các cơ quan quan trọng của bạn nếu cần thiết.
4. Tránh các hành lang/con đường hẹp và mở.
Các hành lang/con đường hẹp, mở và các góc là những vị trí nguy hiểm nhất bởi mọi người không thể kiểm soát bản thân bởi cơn sốt adrenaline (một loại hormone trong cơ thể) sẽ khiến bạn căng thẳng tột độ, không thể nghĩ được gì. Điều này khiến cơ hội thoát ra khỏi đám đông của bạn giảm đi đáng kể.
Và khi cố gắng chạy đến các hành lang/con đường hẹp, bạn sẽ dễ dàng bị đẩy vào góc hoặc bị đẩy ngã. Khi đó, không có ai sẵn sàng để giúp bạn cả.
5. Nếu đi cùng người quen, hãy giao tiếp bằng ký hiệu.
Trong một đám đông hỗn loạn, việc giao tiếp bằng ngôn ngữ là không hề khả thi. Thậm chí, khi bạn cố gắng gọi/liên lạc với người quen của mình ngày càng to hơn thì điều đó càng làm đám đông trở nên hoảng loạn.
Hãy cố gắng giữ một cái đầu lạnh và thật bình tĩnh dùng ngôn ngữ ký hiệu để diễn giải điều muốn truyền đạt cho người quen của mình, chẳng hạn như chỉ tay, vẫy tay hoặc sử dụng mắt. Trong trường hợp, 2 người ở gần nhau, giao tiếp bằng ngôn ngữ là điều có thể nhưng hãy giữ bình tĩnh trong lời nói của mình.
6. Tìm một lối thoát khả thi.
Điều này khác với mẹo số 1. Trong khi mọi người cố gắng tìm đến những lối thoát hiểm "chính thống", bạn hãy cố gắng thoát bằng những lối thoát khác như cửa sổ, hàng rào... hoặc một cái cây. Lợi ích của việc này là có rất ít người sẽ "cạnh tranh" với bạn.
7. Nếu đánh rơi thứ gì đó, hãy bỏ nó đi.
Rất nhiều người bị xô ngã và giẫm đạp do quay lại và nhặt đồ mình làm rơi. Rơi và mất một món đồ trong đám đông, hãy suy nghĩ đi, nó có thực sự đáng để bạn phải mạo hiểm hay không.
8. Luồn lách giữa đám đông.
Giữa các đám đông luôn xuất hiện những lối đi nhỏ khi mọi người cố gắng đẩy và bị đẩy ngược lại, hãy tận dụng lúc các lối đi này xuất hiện để thoát hiểm. Điều này giúp bạn tới được các vị trí thoát hiểm nhanh hơn, và đó rõ ràng là những gì bạn cần.
9. Đừng ngừng lại.
Nếu bạn không thể tìm thấy vị trí cao để trèo lên hoặc lối ra, hãy tiếp tục di chuyển theo đám đông, bởi nếu bạn ngừng lại, bạn sẽ mất rất nhiều năng lượng để "chống lại" đám đông. Nếu vô tình bị ngã, hãy cố gắng đứng lên thật nhanh.
Trang Scienceinfo đã chia sẻ một số lưu ý khi bạn ngã trong đám đông, hãy ghi nhớ nó:
- Khi chuẩn bị ngã, hãy đưa tay ra và cố gắng thu hút sự chú ý của người bên cạnh. Nếu họ thấy bạn sắp ngã, họ có thể sẽ giúp đỡ.
- Nếu bạn bị ngã xuống đất: hãy cố gắng hét thật to để thu hút sự chú ý. Hãy giơ tay lên cao và mong ai đó nhận ra để kéo nó lên.
- Nơi không có ai kéo, hãy nắm lấy mọi thứ xung quanh để đứng dậy.
- Nếu bạn vẫn không thể đứng dậy và bắt đầu có nguy cơ bị giẫm đạp: hãy cuộn tròn thành “tư thế thai nhi” - tư thế nằm cuộn tròn, ngực chạm đùi giống như thai nhi trong bụng mẹ. Tư thế này có thể sẽ giảm thiểu tối đa tác động, xung lực cũng như chấn thương vùng ngực, bụng - nơi chứa các cơ quan nội tạng quan trọng.
Nếu ở trong một đám đông hỗn loạn, bạn có thể sẽ bị đẩy ngã và giẫm đạp, ngừng tim là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Theo Mayo Clinic , ngừng tim đột ngột là sự mất đột ngột của chức năng tim, nhịp thở và ý thức. Tình trạng này thường là do hệ thống điện của tim có vấn đề, hệ thống này làm gián đoạn hoạt động bơm máu của tim và ngừng lưu thông máu đến cơ thể. Ngừng tim đột ngột không giống như một cơn đau tim, khi dòng máu đến một phần của tim bị tắc nghẽn. Tuy nhiên, một cơn đau tim đôi khi có thể gây ra rối loạn điện dẫn đến ngừng tim đột ngột.
Nếu không được điều trị ngay lập tức, tim ngừng đập đột ngột có thể dẫn đến tử vong. Có thể sống sót với sự chăm sóc y tế nhanh chóng và thích hợp. Hồi sinh tim phổi (CPR), sử dụng máy khử rung tim - hoặc thậm chí chỉ ép ngực - có thể cải thiện cơ hội sống sót cho đến khi nhân viên cấp cứu đến.
Các dấu hiệu của ngừng tim đột ngột là ngay lập tức, bao gồm:
- Ngã khuỵu đột ngột.
- Mất mạch.
- Ngừng thở.
- Mất ý thức.
Đôi khi các dấu hiệu và triệu chứng khác xảy ra trước khi ngừng tim đột ngột. Chúng có thể bao gồm:
- Khó chịu ở ngực.
- Khó thở.
- Yếu sức.
- Tim đập nhanh hoặc đập thình thịch (đánh trống ngực).
Nhưng ngừng tim đột ngột thường xảy ra mà không có dấu hiệu báo trước.
ktk@vn tham khảo nguồn Mayo Clinic, Bright Side, Scienceinfo
Tin xem nhiều nhất
-
Ngày 09/02/2018
ĐIỆN CƠ là gì ...
-
Ngày 13/02/2018
Điều trị Co thắt mi mắt (Blepharospasm)?
-
Ngày 01/03/2018
Điều trị co cứng cơ sau Đột quỵ não.
-
Ngày 05/04/2020
Liệt dây thần kinh số VII.
-
Ngày 26/05/2018
Điều trị Co thắt nửa mặt (Hemifacial spasm)?
-
Ngày 05/10/2021
Chẩn đoán định khu tổn thương tủy sống.