Thứ 5 ngày 31 tháng 01 năm 2019Lượt xem: 13924
# CẬP NHẬT: "Vụ BS. Lương: Giờ đây các bác sĩ có thể vì an toàn mà từ chối cấp cứu khi chưa hoàn tất các thủ tục hành chính" (phần 1)
Bác sĩ Hoàng Công Lương không phải là người có vai trò trách nhiệm trong việc kiểm soát chất lượng nước sau khi bảo dưỡng. Vì vậy không thể qui trách nhiệm thiếu tinh thần trách nhiệm gây hâu quả nghiêm trọng. Việc bắt các bác sĩ phải chịu trách nhiệm cả về máy móc, thiết bị, vật tư là điều bất khả thi vì họ không thể có cách nào mà kiểm tra hay thẩm định được.
20/3/2018.
Gần 9 tháng trước chúng tôi đã đề cập đến việc tạm giam BS. Hoàng Công Lương với tội danh “vi phạm qui định về khám chữa bệnh”. Hôm nay, sau khi cân nhắc các khía cạnh tội danh khởi tố được điều chỉnh: "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” và sau khi nói chuyện trực tiếp chiều 19.3.2018 với BS. Hoàng Công Lương, Luật sư Trần Hồng Phúc, Luật sư Nguyễn Văn Chiến (đang nghiên cứu hồ sơ bảo vệ quyền lợi của BS. Lương), trao đổi với PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, chúng tôi có 1 số ý kiến:
1. Sự cố y khoa tại Hoà Bình là hết sức nghiêm trọng, gây ra những mất mát đau xót với các gia đình bệnh nhân. Vì vậy, việc Công An tỉnh Hoà Bình khởi tố vụ án là cần thiết để làm rõ các trách nhiệm của các cá nhân có liên quan.
2. Điều trị bệnh nhân là 1 chu trình với nhiều đơn vị và cá nhân tham gia. Vai trò của các bác sĩ là chịu trách nhiệm về chuyên môn chỉ ở trong quá trình điều trị. Trong trường hợp này, kết luận giám định là tử vong của các bệnh nhân đến từ tồn dư hoá chất trong máy chứ ko phải do sai sót của bác sĩ trong quá trình điều trị, và vì vậy những người có liên quan đến việc để xảy ra tồn dư hoá chất sẽ phải chịu trách nhiệm ( công ty tổ chức bảo dưỡng...). Ban giám đốc BVĐK tỉnh Hoà Bình cũng phải chịu trách nhiệm trong việc thiếu trách nhiệm trong việc trong tổ chức qui trình kiểm soát chất lượng sau bảo dưỡng (không có trong hợp đồng, không tổ chức kiểm tra, giám sát...). Vì vậy cần xem xét để xử lý nghiêm.
3. Bác sĩ Hoàng Công Lương không phải là người có vai trò trách nhiệm trong việc kiểm soát chất lượng nước sau khi bảo dưỡng. Vì vậy không thể qui trách nhiệm thiếu tinh thần trách nhiệm gây hâu quả nghiêm trọng. Việc bắt các bác sĩ phải chịu trách nhiệm cả về máy móc, thiết bị, vật tư là điều bất khả thi vì họ không thể có cách nào mà kiểm tra hay thẩm định được.
Việc khởi tố này tạo ra 1 hiệu ứng rất nguy hiểm khi các bác sĩ có thể từ chối cấp cứu, từ chối triển khai dịch vụ khám, điều trị khi chưa có đủ các thủ tục hành chính cho tất cả các trang thiết bị mà họ sử dụng (mà vai trò quản lý và giám sát là của lãnh đạo bệnh viện). Điều này sẽ gây chậm trễ việc điều trị cho bệnh nhân, gây nguy hại cho người bệnh.
Việc xử lý nghiêm minh đúng người, đúng tội, đúng pháp luật đồng thời xem xét cẩn trọng các yếu tố khách quan, sẽ là yếu tố quyết định cho thái độ của bác sĩ, nhân viên y tế trong cả nước đối với việc tận tâm hay dè dặt để tự bảo vệ mình .
Chúng tôi - PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, TS.BS Trương Hồng Sơn, Luật sư Trần Hồng Phúc, Luật sư Nguyễn Văn Chiến khẩn thiết yêu cầu các cơ quan bảo vệ pháp luật xem xét lại việc này.
25/7/2018. Bác sĩ Hoàng Công Lương bị tước chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh.
Sở Y tế tỉnh Hòa Bình đã thu hồi chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh của bác sĩ Lương từ tuần trước. Lý do là bác sĩ Lương đã bị khởi tố liên quan vụ án tai biến chạy thận ở Hòa Bình khiến 9 người chết hồi tháng 5/2017. Hiện bác sĩ Lương vẫn đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình làm việc nhưng không trực tiếp khám và điều trị cho bệnh nhân.
Lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình cho biết, kể từ khi xảy ra vụ án, bác sĩ Lương vẫn tham gia khám chữa bệnh bình thường tại viện. Đây là lần đầu tiên bác sĩ Lương bị thu hồi chứng chỉ hành nghề. Đầu tháng 7, bác sĩ Lương đã bị Viện Kiểm sát Hòa Bình khởi tố về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, cấm đi khỏi nơi cư trú.
Tháng 5/2017, 18 bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình đột ngột có dấu hiệu bất thường. 8 người tử vong ngay lúc ấy, sau đó thêm một bệnh nhân qua đời. Cơ quan chức năng nhận định, nguyên nhân tai biến là nguồn nước cung cấp cho việc lọc thận, chạy thận nhân tạo; các thiết bị được bảo dưỡng và đưa vào hoạt động không kiểm định đúng quy trình. Giám đốc bệnh viện bị cách chức, bác sĩ Lương bị khởi tố. Sau phiên xử sơ thẩm hồi tháng 5 năm nay, tòa đã trả hồ sơ để điều tra bổ sung.
24/8/2018. Nguyên giám đốc Bệnh viện đa khoa Hoà Bình bị khởi tố.
Ngày 24/8, lãnh đạo Công an tỉnh Hoà Bình cho biết vừa ra quyết định khởi tố ông Trương Quý Dương (nguyên giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình) về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Ông Dương là người đứng đầu bệnh viện khi xảy ra sự cố y khoa làm 9 người thiệt mạng.
Theo kết luận điều tra bổ sung, ông Trương Quý Dương đã giao Phòng vật tư phối hợp với Khoa hành chính thực hiện hợp đồng thay thế, sửa chữa hệ thống lọc nước RO số 2. Trong quá trình lãnh đạo, ông Dương không sâu sát công việc. Cụ thể, từ năm 2015 đến 2017, ông không có quyết định giao cho ai phụ trách Đơn nguyên thận; không có quyết định giao hệ thống RO số 2 cho cá nhân nào trong Khoa hồi sức tích cực.Theo cáo buộc, từ khi có quyết định thành lập Đơn nguyên thận, ông Dương không chỉ đạo ban hành văn bản quy định cụ thể về quy trình sửa chữa, bàn giao đưa vào hệ thống lọc nước RO số 2. Từ đó để xảy ra tình trạng vận hành, sử dụng hệ thống RO "tùy tiện trong thời gian dài".
Ngày 5/6, sau 12 ngày xét xử sơ thẩm Lương cùng hai bị cáo Trần Văn Sơn và Bùi Mạnh Quốc, TAND thành phố Hòa Bình tuyên trả hồ sơ để yêu cầu làm rõ một số vấn đề. HĐXX kiến nghị xem xét trách nhiệm nguyên giám đốc Bệnh viện Trương Quý Dương và Giám đốc công ty Thiên Sơn Đỗ Anh Tuấn do nghi ngờ có sai phạm trong việc ký hợp đồng liên danh sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị y tế và căn cứ để thu nguồn tiền chạy thận nhân tạo.
Sau hơn một tháng từ ngày trả hồ sơ, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an tỉnh Hoà Bình) khởi tố thêm ông Hoàng Đình Khiếu (cựu phó giám đốc bệnh viện) và ông Trần Văn Thắng (cựu trưởng phòng vật tư).
Đồng thời, cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hoà Bình vừa ra quyết định thay đổi tội danh với bác sĩ Hoàng Công Lương từ Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng sang Vô ý làm chết người với khung hình phạt từ 6 tháng đến 10 năm (theo điều 98 Bộ luật hình sự 1999). Đây là lần thứ ba Hoàng Công Lương bị thay đổi tội danh, lần đầu tiên là tội Vi phạm quy định về chữa bệnh.
Hoàng Công Lương nói với VnExpress rằng việc Công an Hoà Bình khởi tố sang tội Vô ý làm chết người là không hợp lý. Anh khẳng định "mình không phạm tội".
07/12/2018. Bác sĩ Hoàng Công Lương bị truy tố đến 10 năm tù !?
VKSND tỉnh Hoà Bình vừa hoàn tất cáo trạng dài 31 trang đề nghị truy tố 7 người trong vụ tai biến chạy thận ở Bệnh viện đa khoa tỉnh Hoà Bình làm 9 người chết.
Hoàng Công Lương, Bùi Mạnh Quốc bị truy tố về tội Vô ý làm chết người theo khoản 2 Điều 98 Bộ luật hình sự 1999 với khung hình phạt từ ba đến 10 năm tù.
Trương Quý Dương, Hoàng Đình Khiếu, Trần Văn Thắng, Đỗ Anh Tuấn bị truy tố về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, theo khoản 2 Điều 285 Bộ luật hình sự 1999 với khung hình phạt từ ba đến 12 năm tù.
Theo cơ quan công tố, từ khi thành lập, Đơn nguyên lọc máu (thuộc khoa Hồi sức tích cực) không có kỹ sư, kỹ thuật viên và không ai được phân công nhiệm vụ để kiểm tra chất lượng nước, dịch lọc nước trong và sau khi lọc máu. Hàng ngày, để phục vụ chạy thận cho bệnh nhân, điều dưỡng viên nào của đơn nguyên đến trước sẽ vào phòng xử lý nước bật công tắc vận hành hệ thống RO. Sau khi bệnh nhân được thăm khám, bác sĩ sẽ ra y lệnh chạy lọc thận khi thấy chỉ số sinh tồn của họ đảm bảo đủ điều kiện. Khi cần sửa chữa thiết bị, đơn nguyên lọc máu sẽ đề nghị phòng vật tư phối hợp cùng các phòng, khoa thực hiện. Các lần sửa chữa thường vào chủ nhật để thứ hai tuần kế tiếp đơn nguyên lọc máu tiến hành chạy thận nhân tạo luôn mà không phải chờ xét nghiệm chất lượng nguồn nước, nghiệm thu bàn giao. Theo cáo buộc, Lương có chuyên môn, được đào tạo kỹ thuật lọc máu chu kỳ bằng kỹ thuật thận nhân tạo. Anh thừa lệnh trưởng khoa ký đề xuất sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO số 2 nên biết cụ thể thời gian sửa chữa. Lương cũng là bác sĩ duy nhất trong ba người được phân công điều trị cho bệnh nhân ở đơn nguyên lọc máu có đủ điều kiện ra y lệnh chạy thận.
Ngày 29/5/2017, Lương ký xác nhận vào y lệnh của hai bác sĩ còn lại trong đơn nguyên để tiến hành lọc máu cho các bệnh nhân. Do vậy anh phải chịu trách nhiệm chuyên môn trong ca điều trị hôm đó. Lương bị cáo buộc, phải biết nước sử dụng trong lọc máu phải đảm bảo chất lượng sau sửa chữa, bảo dưỡng. Tuy nhiên, khi chỉ nghe điều dưỡng viên nói hệ thống đã sửa chữa xong, anh đã ra y lệnh điều trị.
Nguyên giám đốc bệnh viện bị đề nghị truy tố đến 12 năm tù
Tháng 12/2009, giám đốc bệnh viện Trương Quý Dương ký hợp đồng về việc liên kết khai thác hệ thống máy chạy thận nhân tạo với Công ty cổ phần dược phẩm Thiên Sơn do Đỗ Anh Tuấn làm giám đốc.
Theo hợp đồng, giá một lần chạy thận nhân tạo được UBND tỉnh phê duyệt là 400.000 đồng/ca. Công ty Thiên Sơn được hưởng 90%, bệnh viện hưởng 10% tổng doanh thu trong tháng. Trong khoảng 3.800 lần chạy/máy hoặc 50 tháng kể từ ngày nghiệm thu, máy chạy thận nhân tạo thuộc toàn quyền sở hữu ở bệnh viện.
Tháng 3/2010, ông Dương ký quyết định thành lập đơn nguyên lọc máu trực thuộc khoa hồi sức tích cực. Từ năm 2010 đến 2014, ông Dương ký hợp đồng với Thiên Sơn nâng tổng số máy chạy thận nhân tạo lên con số 13. Theo cáo trạng, ông Dương không thực hiện đầy đủ nhiệm vụ được giao, buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra cấp dưới để xảy ra những sai phạm nghiêm trọng trong thời gian dài. Ông trực tiếp ký quyết định thành lập đơn nguyên lọc máu nhưng không bố trí nhân lực để kiểm tra chất lượng nước trước, trong và sau lọc máu. Là giám đốc song ông không ban hành quy định vận hành, bảo quản và kỹ thuật an toàn sử dụng hệ thống RO để nhân viên tuỳ tiện sử dụng. Ông Dương ký các hợp đồng, thanh lý hợp đồng sửa chữa nhưng không sâu sát kiểm tra để gây ra hậu quả làm 9 người chết.
Công ty Thiên Sơn thiếu trách nhiệm
Với vai trò giám đốc Công ty Thiên Sơn, Đỗ Anh Tuấn trực tiếp ký hợp đồng sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống RO2 với Bệnh viện đa khoa Hoà Bình nhưng lại để Bùi Mạnh Quốc (Giám đốc Công ty Trâm Anh) thực hiện. Bị can Tuấn không thực hiện đầy đủ nhiệm vụ của mình, bỏ mặc Quốc tự mua hàng hoá, sửa chữa. Ông Tuấn cũng không nhắc Quốc về đảm bảo nguồn nước để sau sửa chữa, máy đều đưa vào sử dụng mà chưa có kết quả xét nghiệm nước và bàn giao nghiệm thu. Từ hành vi thiếu trách nhiệm của ông Tuấn, bị can Quốc tự ý dùng những hoá chất chưa được Bộ Y tế cấp phép để khử khuẩn thiết bị dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
21/01/2019. Bác sĩ Hoàng Công Lương bị đề nghị phạt đến 3 năm 6 tháng tù!?
Chiều 21/1, sau 7 ngày xét hỏi, đại diện VKSND thành phố Hoà Bình công bố bản luận tội với 7 bị cáo về hai tội Vô ý làm chết người và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
VKS đề nghị tuyên phạt Hoàng Công Lương án tù 36-42 tháng; Bùi Mạnh Quốc 4-5 năm tù về tội Vô ý làm chết người. Ở nhóm tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, Trần Văn Sơn bị đề nghị phạt từ 42 đến 48 tháng tù, Trần Văn Thắng 36-42 tháng, Trương Quý Dương 30-36 tháng, Hoàng Đình Khiếu 36-42 tháng tù và Đỗ Anh Tuấn 36-42 tháng. VKS đánh giá đây là vụ án y khoa gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Cơ quan công tố cáo buộc, từ khi thành lập, đơn nguyên lọc máu (thuộc khoa Hồi sức tích cực) không có kỹ sư, kỹ thuật viên và không ai được phân công nhiệm vụ kiểm tra chất lượng nước trong và sau khi lọc máu. Sau khi bệnh nhân được thăm khám, bác sĩ sẽ ra y lệnh chạy lọc thận khi thấy chỉ số sinh tồn của họ đảm bảo đủ điều kiện. Cần sửa chữa thiết bị, đơn nguyên lọc máu sẽ đề nghị phòng vật tư phối hợp cùng các phòng, khoa thực hiện. Các lần sửa chữa thường vào chủ nhật để thứ hai tuần kế tiếp đơn nguyên lọc máu tiến hành chạy thận nhân tạo luôn mà không phải chờ xét nghiệm chất lượng nguồn nước, nghiệm thu bàn giao.
VKS nhận định vụ án có 7 bị cáo nhưng không có tính chất đồng phạm. Ví dụ như hành vi của Quốc và Lương là hai hành vi độc lập nhưng nếu thiếu một trong hai thì sự cố không xảy ra. Trong nhóm tội thiếu trách nhiệm, Sơn là người trực tiếp nên phải chịu hình phạt nặng nhất. Qua quá trình xét hỏi công khai tại toà, VKS nhận thấy có dấu hiệu thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý của nguyên phó khoa Hoàng Công Tình nên kiến nghị HĐXX đề nghị cơ quan điều tra làm rõ hành vi này. Nguyên nhân phạm tội cũng thấy sự buông lỏng quản lý nhà nước về thận nhân tạo của Bộ Y tế, Sở Y tế và Bệnh viện đa khoa Hoà Bình. Để sự cố y khoa nghiêm trọng không xảy ra, cần áp dụng nghiêm khắc hình phạt của từng bị cáo trong vụ án để cảnh tỉnh, răn đe. VKS cũng đề nghị những người theo dõi vụ án không cổ xuý cho hành vi phạm tội.
Hoàng Công Lương có "hành vi nguy hiểm"
Hoàng Công Lương là bác sĩ chuyên khoa I, là bác sĩ điều trị chuyên môn chính cho 18 bệnh nhân ngày 29/5/2017 ở đơn nguyên thận nhân tạo. Lương có chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh và được đào tạo kỹ thuật lọc máu cơ bản.
Theo công văn trả lời của Sở Y tế, Lương có đủ điều kiện hoạt động độc lập, đủ quyền ra y lệnh chạy thận. Lương được trưởng khoa phân công nhiệm vụ điều trị chuyên môn ở đơn nguyên thận nhân tạo. Ngoài vai trò bác sĩ chuyên môn điều trị, anh cũng trực tiếp ký đề xuất sửa chữa hệ thống lọc nước RO. Lương buộc phải biết tầm quan trọng của nguồn nước và biết trước, trong và sau khi sửa chữa phải kiểm tra chất lượng nước và hoá chất tồn dư. Anh cũng biết trưởng khoa phải chịu trách nhiệm nguồn nước song khi chỉ nghe điều dưỡng viên thông báo đã ra y lệnh chạy thận mà không báo cáo lãnh đạo. Đơn nguyên thận nhân tạo có hai hệ thống lọc nước RO, có thể chạy thay thế nên đây không phải là tình thế cần thiết. Bởi vậy, với vai trò, trách nhiệm của mình, Lương hoàn toàn có quyền không cho các điều dưỡng viên thực hiện chạy thận cho các bệnh nhân. "Hành vi nguy hiểm" của Lương chính là nguyên nhân dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng làm 9 người chết nên đủ yếu tố cấu thành tội Vô ý làm chết người.
Bị cáo Bùi Mạnh Quốc (nguyên giám đốc công ty Trâm Anh) là người trực tiếp sửa chữa hệ thống lọc nước RO ngày 28/5/2017 ở đơn nguyên thận nhân tạo. Trong quá trình sửa chữa, Quốc tự ý thay thế vật liệu lọc, dùng hỗn hợp chất axit HF và HCL (đây là hoá chất chưa được Bộ Y tế thẩm định) để sục rửa màng lọc. Ngày 29/5/2017, khi chưa lấy mẫu nước đi xét nghiệm Quốc vẫn mặc cho các bác sĩ đưa máy chạy thận ở đơn nguyên vào vận hành dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Bị cáo Trần Văn Sơn là viên chức hợp đồng không xác định thời hạn ở phòng vật tư. Sơn được tưởng khoa giao nhiệm vụ sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị ở đơn nguyên thận nhân tạo. Tuy nhiên, khi sửa chữa ngày 28/5/2017, Sơn không có mặt giám sát mà chỉ trao đổi qua điện thoại với Quốc. Khi biết nước chưa xét nghiệm anh cũng không ngăn các bác sĩ dừng máy chạy thận khiến xảy sự cố làm 9 bệnh nhân tử vong.
Bị cáo Trần Văn Thắng (nguyên trưởng phòng vật tư) trong thời gian dài đã buông lỏng quản lý, không làm hết trách nhiệm được giao, thiếu quản lý thiết bị để mặc hệ thống RO bị sử dụng một cách tuỳ tiện. Ông Thắng chưa bao giờ trực tiếp đến kiểm tra hệ thống ở đơn nguyên thận hay đề xuất lãnh đạo về những thiếu sót trong quản lý hệ thống RO. Ông cũng không có biên bản cụ thể bàn giao cho cá nhân quản lý thiết bị theo quy định. Ngày 29/5/2017, ông Thắng chỉ nghe Sơn báo cáo hệ thống sửa chữa xong mà không trực tiếp đến kiểm tra hệ thống để gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Bị cáo Hoàng Đình Khiếu (nguyên phó giám đốc bệnh viện kiêm trưởng khoa hồi sức tích cực) phải chịu trách nhiệm kiểm tra nguồn nước và phải biết rõ tầm quan trọng của nước RO. Tuy nhiên, ông Khiếu không tham mưu với lãnh đạo bố trí nhân lực để mặc hàng ngày, điều đưỡng nào đến trước sẽ khởi động hệ thống lọc nước RO. Ở đơn nguyên thận nhân tạo không có kỹ sư, kỹ thuật viên nhưng ông Khiếu không phân công bác sĩ, điều dưỡng nào chịu trách nhiệm nào của nguồn nước và hệ thống RO. Ông có trách nhiệm kiểm tra, phối hợp cùng trưởng phòng vật tư kiểm tra thiết bị y tế. Nhưng từ khi thành lập đơn nguyên đến khi xảy ra sự cố, trưởng khoa không kiểm tra dẫn đến đơn nguyên thận nhân tạo tuỳ tiện sử dụng hệ thống. Ông Khiếu khai ngày 29/5/2017 chưa được báo cáo và thấy hệ thống chưa sửa chữa xong nên chưa đi kiểm tra. Tuy nhiên, VKS bác bỏ điều này và nhận định rằng ông Khiếu chưa bao giờ đi kiểm tra. Lẽ ra bị cáo phải sâu sát kiểm tra để chấn chỉnh sai phạm và không cho hệ thống RO số 2 đưa vào sử dụng sau sửa chữa khi chưa có xét nghiệm nước.
Bị cáo Trương Quý Dương: cựu giám đốc Bệnh viện đa khoa Hoà Bình, phải chịu trách nhiệm về mọi hoạt động song đã buông lỏng quản lý để cấp dưới xảy ra sai phạm trong thời gian dài. Để đơn nguyên lọc máu hoạt động mà không có kỹ sư, kỹ thuật viên kiểm tra nguồn nước và hệ thống lọc nước RO. Ông Dương ký quyết định thành lập đơn nguyên lọc máu hoạt động theo quy chế bệnh viện. Tuy nhiên, ông không bố trí đầy đủ nhân lực, không phân công ai ở đơn nguyên chịu trách nhiệm về nguồn nước để mặc hệ thống RO sau sửa chữa đưa vào hoạt động ngay mà không phải kiểm tra nguồn nước. Từ năm 2014, ông không bố trí người phụ trách đơn nguyên lọc máu dẫn đến sự không rõ ràng về nhân sự ở đơn nguyên này.
Bị cáo Đỗ Anh Tuấn (Giám đốc Công ty Thiên Sơn) trực tiếp ký hợp đồng số 315 về sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống RO2 với Bệnh viện đa khoa Hoà Bình nhưng lại ký hợp đồng 05 với Bùi Mạnh Quốc để anh ta thực hiện. Ông Tuấn sau đó không thực hiện đầy đủ nhiệm vụ của mình, không thông báo nội dung hợp đồng 315 cho Quốc biết, bỏ mặc anh ta tự thực hiện việc sửa chữa. VKS xác định, hợp đồng 05 được Thiên Sơn ký với Quốc sau khi xảy ra sự cố chứ không phải ký trước. Ông Tuấn không giám sát và cũng không nhắc Quốc về đảm bảo nguồn nước để sau sửa chữa, máy đều đưa vào sử dụng mà chưa có kết quả xét nghiệm nước và bàn giao nghiệm thu.
30/01/2019. Bác sĩ Hoàng Công Lương bị phạt 42 tháng tù!?
Chiều 30/1, TAND Hòa Bình đọc bản án với 7 bị cáo liên quan sự cố chạy thận làm 9 người chết ở Bệnh viện đa khoa Hoà Bình. Từ gần 14h, cả trăm bác sĩ, người dân làm thủ tục vào theo dõi phiên tòa. Trước giờ tòa tuyên án, bị cáo Hoàng Công Lương (nguyên bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình) nói tin tưởng HĐXX sẽ có bản án thật công tâm và khách quan. Sau gần 3 tiếng đọc bản án, TAND thành phố Hòa Bình tuyên phạt Hoàng Công Lương mức phạt 42 tháng tù do phạm tội Vô ý làm chết người. Cùng tội danh, Bùi Mạnh Quốc (giám đốc công ty Trâm Anh) bị phạt 54 tháng tù. 5 bị cáo gồm: Trương Quý Dương (nguyên giám đốc bệnh viện Hoà Bình) nhận 30 tháng tù, Trần Văn Thắng (nguyên trưởng phòng vật tư) án 36 tháng tù, Hoàng Đình Khiếu (nguyên phó giám đốc bệnh Hoà Bình) án 36 tháng tù, Trần Văn Sơn (nguyên cán bộ phòng vật tư) bị phạt 42 tháng tù, Đỗ Anh Tuấn (nguyên giám đốc công ty Thiên Sơn) lĩnh 30 tháng tù cùng về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Cán bộ y tế cẩu thả
Bản án nêu đủ cơ sở khẳng định lãnh đạo Bệnh viện đa khoa Hoà Bình trong thời gian dài đã buông lỏng quản lý khiến nhân viên cẩu thả khi thực hiện chạy thận cho bệnh nhân.
Khi sửa chữa hệ thống RO, Quốc tự ý sử dụng hoá chất HF và HCL không được dùng trong y tế để sục rửa hệ thống dẫn đến tồn dư lượng lớn hoá chất. Ngày 29/5/2017, khi chưa sửa chữa xong, bệnh viện đã đưa máy vào sử dụng nhưng Quốc không can ngăn. Việc này khiến 18 bệnh nhân chạy thận nhân tạo hôm đó gặp sự cố: 9 người chết, 9 người bị ảnh hưởng sức khoẻ.
TAND Hòa Bình cho rằng là bác sĩ điều trị có chứng chỉ hành nghề và được đào tạo về chuyên môn thận nhân tạo, Lương được lãnh đạo giao trách nhiệm chuyên môn ở đơn nguyên thận nhân tạo. Theo quy chế khoa lọc máu, anh không phải chịu trách nhiệm nguồn nước nhưng buộc phải biết rõ tầm quan trọng của nước trong chạy thận. Lương biết việc sửa chữa hệ thống RO số 2 song khi chưa được ai bàn giao, chưa biết hệ thống nước đã đảm bảo an toàn hay chưa mà chỉ nghe điều dưỡng thông báo Lương đã đưa hệ thống vào chạy thận. HĐXX kết luận Lương "cẩu thả, làm việc theo thói quen và tự tin vào kinh nghiệm của bản thân".
Theo bản án, bị cáo Trương Quý Dương (nguyên giám đốc Bệnh viện đa khoa Hòa Bình) phải chịu trách nhiệm với toàn bộ hoạt động của bệnh viện. Ông Dương ký quyết định thành lập đơn nguyên thận nhân tạo và ký các hợp đồng liên kết máy chạy thận, sửa chữa hệ thống song không bố trí kỹ sư, kỹ thuật viên và buông lỏng quản lý trong thời gian dài. Biết Công ty Thiên Sơn không lấy mẫu nước đi xét nghiệm sau khi sửa chữa nhưng ông Dương vẫn ký thanh lý hợp đồng cho xong thủ tục. "Sự thiếu trách nhiệm của bị cáo là một trong những nguyên nhân gây ra sự cố y khoa", bản án nêu.
Bị cáo Hoàng Đình Khiếu (nguyên phó giám đốc phụ trách phòng vật tư và kiêm nhiệm chức trưởng khoa hồi sức tích cực) bị xác định không phân công cho ai quản lý hệ thống RO và không bố trí cho cán bộ làm nhiệm vụ của kỹ sư, kỹ thuật viên chịu trách nhiệm nguồn nước. Từ đó khiến không ai kiểm tra chất lượng nguồn nước trước, trong, sau khi chạy thận. Ông Khiếu đã buông lỏng quản lý trong thời gian dài để mặc cán bộ trong đơn nguyên tuỳ tiện sử dụng.
Bị cáo Đỗ Anh Tuấn (giám đốc Công ty Thiên Sơn) trực tiếp ký hợp đồng đặt máy, sửa chữa hệ thống RO số 2 với bệnh viện, bởi vậy hai bên đã phát sinh trách nhiệm chung trong điều trị cho bệnh nhân. Bị cáo Tuấn biết bệnh viện thường đưa hệ thống vào sử dụng ngay khi chưa có kết quả xét nghiệm nước nhưng không nhắc nhở. Khi nhận hợp đồng sửa chữa hệ thống RO, Tuấn thường bỏ mặc Quốc tự làm...
Về bồi thường dân sự, bản án buộc Bệnh viện đa khoa Hoà Bình và công ty Thiên Sơn liên đới bồi thường cho mỗi gia đình có nạn nhân tử vong 200 triệu đồng, mỗi người bị ảnh hưởng sức khoẻ 50 triệu đồng. Trong đó, phía bệnh viện chịu 70%. HĐXX kiến nghị Sở y tế Hoà Bình tăng cường kiểm tra trang thiết bị y tế, tăng cường bố trí nhân lực để đảm bảo công tác khám chữa bệnh cho nhân dân. Bệnh viện đa khoa Hoà Bình phải rà soát lại công tác quản lý thiết bị y tế, tăng cường kiểm tra các khoa phòng để xác định vị trí nhân sự.
Toà nhận thấy có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm trong giai đoạn điều tra nên cần khởi tố vụ án để điều tra hành vi thiếu trách nhiệm xảy ra ở Bệnh viện đa khoa Hoà Bình; kiến nghị VKS cùng cấp khởi tố bị can với ông Hoàng Công Tình (phó khoa hồi sức tích cực).
Trong 11 ngày xét xử (14-25/1), Lương trình bày rất ít mà để cho 10 luật sư "gỡ tội". Bị cáo ba lần giữ quyền im lặng. Lương cho rằng chỉ là bác sĩ điều trị, không có trách nhiệm kiểm tra nguồn nước chạy thận. VKS đề nghị TAND thành phố Hòa Bình phạt Lương án tù 36-42 tháng; Bùi Mạnh Quốc (giám đốc công ty Trâm Anh, người sửa chữa hệ thống lọc nước) 4-5 năm tù về tội Vô ý làm chết người. Ở nhóm tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, Trần Văn Sơn (cựu cán bộ phòng vật tư) bị đề nghị phạt từ 42 đến 48 tháng tù, Trần Văn Thắng (nguyên trưởng phòng vật tư) 36-42 tháng, Trương Quý Dương (nguyên giám đốc bệnh viện) 30-36 tháng, Hoàng Đình Khiếu (nguyên phó giám đốc bệnh viện) 36-42 tháng tù và Đỗ Anh Tuấn (Giám đốc Công ty cổ phần dược phẩm Thiên Sơn) 36-42 tháng.
Tiếp tục cập nhật ...
Tin xem nhiều nhất
-
Ngày 09/02/2018
ĐIỆN CƠ là gì ...
-
Ngày 13/02/2018
Điều trị Co thắt mi mắt (Blepharospasm)?
-
Ngày 01/03/2018
Điều trị co cứng cơ sau Đột quỵ não.
-
Ngày 05/04/2020
Liệt dây thần kinh số VII.
-
Ngày 26/05/2018
Điều trị Co thắt nửa mặt (Hemifacial spasm)?
-
Ngày 05/10/2021
Chẩn đoán định khu tổn thương tủy sống.